Vào ba tháng cuối thai kỳ, thai nhi tiếp tục phát triển và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể. Nếu thai phụ khoẻ mạnh, dinh dưỡng tốt, thai nhi sẽ tăng cân đều đặn cho đến cuối thai kỳ. Trong giai đoạn này bụng mẹ đã lớn, dễ làm cho mẹ mệt mỏi và xuất hiện một số biểu hiện khác như đau lung, đau chân, phù hai chân, khó thở khi nằm ngửa, mất ngủ…và tất nhiên có thể xuất hiện cả những biểu hiện bệnh lý như cao huyết áp, có protein niệu, cơn co tử cung gây đau hoặc ra máu âm đạo bất thường. Việc khám thai trong giai đoạn này chủ yếu bao gồm: Đánh giá tình trạng sức khoẻ chung của người mẹ, phát hiện sớm các bệnh lý như Tiền sản giật, Nhau tiền đạo, doạ sinh non… Đánh giá sự phát triển của thai nhi theo tuổi thai, ước tính trọng lượng thai nhi. Khảo sát tình trạng sức khoẻ của thai nhi trong tử cung bằng phương pháp siêu âm, đánh giá lượng nước ối, theo dõi tim thai bằng máy Monitoring sản khoa. Tiên lượng khả năng sinh nở. Ba tháng cuối và đặc biệt là vào thời điểm những tuần cuối thai kỳ, sản phụ cần được khám thai thường xuyên hơn để nhằm phát hiện sớm những diễn biến bất thường có thể xảy ra đối với cả mẹ lẫn thai nhi, nhằm tiên lượng và xử trí tốt các biến chứng của thai kỳ có thể có, bảo đảm an toàn cho mẹ và thai trong quá trình sinh nở. Thai phụ không nên bỏ qua bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào bất thường mình cảm nhận được, kể cả những dấu hiệu “thông thường” nhất, như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng…bởi vì chúng có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm của tình trạng bệnh lý nào đó. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sỹ để được chẩn đoán và xử trí sớm nhất có thể.
|